Nguyên nhân gây bệnh Alzheimer
Alzheimer là bệnh lý phổ biến ở những người trên 65 tuổi. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, Alzheimer có xu hướng trẻ hóa và ảnh hưởng đến khoảng 5% số người từ 40 - 65 tuổi. Hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh Alzheimer. Nhưng sự tích tụ bất thường của các protein trong và xung quanh tế bào não được cho là cơ chế chính dẫn tới Alzheimer.
Một trong số các protein này được gọi là amyloid, chúng lắng đọng tạo thành mảng xung quanh tế bào não. Một protein khác được gọi là tau, lắng đọng tạo thành các đám rối trong tế bào. Sự tích lũy amyloid và tau đến một mức độ nào đó sẽ ngăn cản tế bào thần kinh sản sinh cũng như tiếp nhận acetylcholine – chất dẫn truyền thần kinh trung gian. Từ đó, các liên kết thần kinh bị đứt gãy, gián đoạn mà ảnh hưởng đầu tiên là vùng não chịu trách nhiệm về ghi nhớ. Sau đó, các mảng protein lắng đọng nhiều hơn, khuếch đại rộng và ảnh hưởng đến nhiều vùng não khác nhau khiến người bệnh gặp các vấn đề về thị lực, ngôn ngữ, vận động, nhận thức,...
Người mắc Alzheimer có thể gặp các vấn đề về thị lực, ngôn ngữ. vận động, nhận thức,...
Mặc dù chưa rõ nguyên nhân gây bệnh là gì nhưng một số yếu tố được biết đến có thể làm tăng nguy cơ mắc Alzheimer như:
- Tuổi tác.
- Di truyền.
- Người mắc hội chứng Down.
- Chấn thương ở vùng đầu.
- Bệnh lý nền: Tiểu đường, tăng huyết áp, mỡ máu, béo phì,...
- Hút thuốc lá, sử dụng các chất kích thích,...
Mặc dù xuất phát từ nhiều yếu tố kể trên nhưng chủ yếu Alzheimer vẫn xuất hiện do sự thoái hóa các tế bào não kèm theo suy giảm nồng độ acetylcholin. Vậy để chẩn đoán căn bệnh này, người ta sử dụng những phương pháp nào?
Các phương pháp chẩn đoán bệnh Alzheimer hiện nay
Thông thường, người bệnh sẽ nhận chẩn đoán mắc Alzheimer khi đã bước vào giai đoạn thứ 4, khi các triệu chứng đã xuất hiện rõ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, phát hiện Alzheimer càng sớm thì khả năng khỏi bệnh càng cao. Một số biện pháp giúp chẩn đoán bệnh Alzheimer hiện nay như:
Kiểm tra khả năng trí tuệ
Khả năng trí tuệ được đánh giá dựa trên các bài kiểm tra trí nhớ, tư duy hay còn được gọi là đánh giá nhận thức. Theo đó, các bài kiểm tra này sẽ đánh giá:
- Trí nhớ dài hạn và ngắn hạn.
- Khả năng tập trung và ngôn ngữ.
- Kỹ năng giao tiếp.
- Khả năng định hướng không gian và thời gian.
- Khả năng liên quan đến thị giác.
Tuy nhiên, phương pháp này bị ảnh hưởng nhiều bởi trình độ học vấn. Nhiều trường hợp, kết quả kiểm tra thấp nhưng người đó lại có thể không mắc bệnh Alzheimer.
Chẩn đoán hình ảnh
Phương pháp này giúp xác định được cả nguyên nhân và dấu hiệu tổn thương khi mắc Alzheimer. Một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh phổ biến như:
- Chụp CT (hay còn gọi là chụp cắt lớp): Các hình ảnh cắt lớp của não bộ sẽ được chụp để xác định vùng tổn thương hay bất thường ở não.
- Quét MRI: Phương pháp này sử dụng từ trường mạnh và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết về não.
Phát hiện sớm Alzheimer dựa trên những biện pháp trên đây có ý nghĩa rất tích cực. Mặc dù hiện nay, chưa có biện pháp chữa khỏi bệnh nhưng quan trọng nhất là người mắc vẫn ý thức được mình nên và hạn chế làm gì. Đồng thời, ngăn chặn bệnh tiến triển ngay từ giai đoạn sớm.
Nếu bạn còn bất cứ thắc mắc nào, hãy để lại bình luận hoặc số điện thoại, các chuyên gia của chúng tôi sẽ giải đáp ngay.